Anh Hoàng,ôngdânlãilớnnhờgiánôngsảntăngkỷlụdân việt người trồng gừng ở Đăk Lăk, phấn khởi cho biết gia đình vừa có mùa bội thu vì giá tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên khoảng 24.000-26.000 đồng một kg. "Gừng năm nay không chỉ tăng giá mạnh mà sản lượng cũng cao hơn 10% so với 2022. Một ha gừng nhà tôi lãi 100-120 triệu đồng", anh Hoàng nói.
Không chỉ gừng, vụ khoai lang của nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên cũng lãi đậm khi giá tăng cao, lên 18.000-20.000 đồng mỗi kg.
Theo các hộ trồng khoai lang tại Gia Lai, Đăk Lăk, mỗi ha họ thu lãi 100-200 triệu đồng (tùy giống khoai). Nhiều hộ có diện tích trồng trên 3 ha thu lãi hơn nửa tỷ đồng.
Đặc biệt với sầu riêng, năm nay người trồng cây này thu tiền tỷ khi giá tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tháng 2, giá sầu riêng đạt kỷ lục 200.000 đồng một kg. Hiện, giá mặt hàng này tại vườn đã giảm xuống 45.000-90.000 đồng một kg nhưng vẫn cao gấp đôi cùng kỳ 2022.
Ông Bùi Văn Cường ở Đăk Lăk cho biết 3 ha sầu riêng nhà ông năm nay thu lãi 5 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí. Đây là năm đầu tiên mà gia đình ông thu được lãi lớn nhất từ khi trồng sầu riêng đến nay.
Bên cạnh các nông sản trên, giá gạo, mía tăng vọt cũng đã giúp nông dân có được mức lãi cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, giá mía trên cả nước đang ở mức kỷ lục 1,2-1,3 triệu đồng một tấn thu mua tại ruộng. Trong khi đó, giá lúa lên 8.000-9.000 đồng một kg cũng giúp nông dân lãi 50-70 triệu đồng một ha.
Nói với VnExpress,chị Thanh Mai - thương lái chuyên mua nông sản ở các tỉnh Tây Nguyên nhìn nhận năm nay, nhiều nông dân "đổi đời" nhờ sản xuất tốt, giá cả các nông sản tăng đột biến.
Đồng quan điểm, ông Đặng Mạnh Khương, đầu mối thu mua sầu riêng ở Cần Thơ đánh giá đây là một năm "ngoạn mục", giá cao chưa từng thấy đối với loại trái cây này. Hầu hết nông dân ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên lãi cao hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kết luận "năm nay là năm thắng lớn của rau quả Việt Nam". Nguyên nhân khiến nông sản xuất khẩu tăng cả về giá trị và sản lượng so với cùng kỳ 2022 là nhờ Trung Quốc ký hàng loạt Nghị định thư. Trong đó, sầu riêng, chuối, khoai lang đều được xuất chính ngạch sang thị trường này.
Theo ông Nguyên, sắp tới, khi Trung Quốc xem xét cho mở rộng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, giá nhiều nông sản sẽ tiếp tục tăng cao. Dự báo năm nay, ông Nguyên cho rằng xuất khẩu rau quả có thể vượt 5 tỷ USD.
Xuất khẩu nông sản có nhiều điểm sáng, song vẫn còn không ít bất cập.Trong cuộc họp về thực trạng xuất khẩu hồi tháng 9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát Triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng xuất khẩu nông sản đạt được nhiều kỷ lục trong thời gian dài, một số mặt hàng đã vươn lên chiếm lĩnh được thị trường quan trọng.
Tuy nhiên, theo ông, nông nghiệp hiện còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, nên chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin điều chỉnh sản xuất. Các bên trong chuỗi liên kết phải bỏ được suy nghĩ: "nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ". Doanh nghiệp phải đắp nền với nông dân từ lúc đưa cây giống vào trồng, chứ không chờ đến lúc quả chín trên cây, đã không thể kiểm soát được.
Bộ trưởng cũng cho rằng, tới nay mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích nên sắp tới là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát.
Sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán các hiệp định, đặc biệt là với mặt hàng dưa hấu từ xuất khẩu truyền thống sang chính ngạch tại thị trường Trung Quốc; hay hoàn tất các thủ tục để chanh leo vào Mỹ cuối năm nay.
Tính đến tháng 9 năm nay, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng, chuối, mít, nhãn, dưa hấu đều tăng trưởng đột biến từ 1-4 lần so với cùng kỳ.
Thi Hà